Đệ Tử Quy và Tu Học Phật pháp (Tập 02)

De tu quy va tu hoc phat phap

Giám định Lão Pháp Sư Tịnh Không

Chủ giảng thầy Thái Lễ Húc

Giảng từ ngày 6/3/2005 đến ngày 13/03/2005 tại Tịnh Tông Học Hội Australia

TẬP 2

Kính thưa Sư phụ, chư vị pháp sư, chư vị đồng tư, xin chào mọi người!

A Di Đà Phật.

Sáng nay chúng ta có nhắc tới, thực hành mười nguyện Phổ Hiền hoàn toàn tương ưng với Đệ Tử Quy, đương nhiên hết thảy lời dạy bảo mà chúng ta học đều phải thông qua học tập cùng thực hành thì chúng ta mới có được lợi ích thật sự. Tôi còn nhớ năm kia tới học viện học tập, cũng tham gia học lớp Đệ Tử Quy. Khi đó đang học đến chương “Xuất tắc đễ”, trong đó có câu “Việc chú bác – như việc cha – việc anh họ – như anh ruột”, đối với cha mẹ, anh em của mọi người cũng phải lễ kính. Sau khi học xong phải áp dụng ngay, tôi quay trở về phòng của mình thì bắt đầu đi hỏi thăm các bác các chú trong phòng năm nay bao nhiêu tuổi, bác ấy lớn tuổi hơn cha tôi, tôi liền cúi đầu nói con chào bác Đàm! Một chú khác thì nhỏ hơn cha tôi, tôi nói con chào chú Trần!

Đột nhiên trong lúc tôi đang hành lễ với các bác, các chú thì có một chú chạy tới nói với tôi, chú nói “chú cũng muốn”, ý là chú cũng muốn được gọi là chú, chú ấy họ Lư. Bởi vì hôm đó trở về phòng tôi hành lễ với từng vị trưởng bối, cho nên đã kết duyên với chú Lư. Hôm sau chú Lư tìm tôi đến phòng khách ngồi nói chuyện với tôi hơn hai tiếng đồng hồ, chú chia sẻ về kinh nghiệm cuộc đời và lãnh hội của chú khi học Phật, dạy bảo tôi từng chút một. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, trong lòng tôi vô cùng cảm kích, cũng nhận được rất nhiều lời nhắc nhở. Khi đó tôi chỉ cảm thấy rằng, chú ấy giúp đỡ vãn bối chúng tôi mà hoàn toàn không mong cầu chút báo đáp nào. Trong lòng tôi đang nghĩ, nghĩ điều gì? Bởi vì rất cảm kích nên muốn quỳ ngay xuống. Lúc đó tôi có thể hiểu được vì sao chúng ta lại coi trong Sư Đạo như vậy, bởi vì thầy cô đích thực là hoàn toàn suy nghĩ cho chúng tôi mà không mong cầu chút báo đáp nào. Tôi vừa quỳ xuống, bởi vì thời trẻ chú Lư từng học Nhu Đạo, động tác của chú rất nhanh nhẹn, đầu gối của tôi còn chưa chạm đất thì chú đã kéo tôi lên, chú nói không làm như vậy được. Cho nên bậc cha chú thật sự có trí tuệ đều vô cùng khiêm tốn.

Bởi vì chúng ta có thái độ cung kính, lễ phép cho nên mới nhận được sự chỉ bảo của các vị thiện tri thức. “Gần người hiền – tốt vô hạn – đức tiến dần – lỗi ngày giảm”, “Lễ kính chư Phật” cũng có thể nhận được quả báo “thường tùy Phật học”. Trong hơn hai tháng, chú Lư thường ăn cơm xong sẽ tìm tôi đi dạo, nhờ đó mà đường đi ở trong học viện tôi khá là quen thuộc. Chú Lư dắt tôi đi, vừa đi vừa hỏi, hôm nay con nghe giảng xong có thu hoạch gì? Tôi chia sẻ với chú cảm nhận của tôi. Chú nghe xong nói: “con nhìn vẫn chưa đủ xa, chưa đủ rộng”, chú dạy bảo tôi từng ly từng tý như vậy.

Tôi nhớ chú có nói một câu khiến tôi rất xúc động, chú nói “tu hành là phải đuổi cùng giết tận chính mình, đối với người khác phải nhân hậu ba phần”. Đối với tập khí của chính mình phải có thái độ đuổi cùng giết tận, không được phép lơi lỏng; còn đối với người khác phải khoan dung, thông cảm cho họ. Có một lần tôi vừa bước ra từ nhà tắm, chú Lư đi vào rửa mặt, đột nhiên chú chạy ra nói với tôi, “lại đây, chúng ta cùng xem, sau khi con vào nhà tắm thì nền gạch ướt như vậy, con lại rụng tóc nữa, nếu như có người đi vào không cẩn thận bị trượt chân thì phải làm sao? Hoặc là người đó có bệnh sạch sẽ, nhìn thấy tóc rụng thì trong lòng phiền não. Chúng ta hành trì Thập thiện nghiệp, trong đó có giới không sát sinh, không sát sinh quan trọng nhất là không làm chúng sinh phiền não. Khi chúng ta chung sống với mọi người phải có một thái độ rất quan trọng, tuyệt đối không được khiến cho người ở cùng với bạn phiền não. Tôi nghe xong rất cảm động, lời dạy bảo này rất thiết thực khi áp dụng vào trong cuộc sống. Tôi cũng rất vui, ngay lập tức đi dọn dẹp sạch sẽ.

Hôm sau lúc sắp ra khỏi cửa tôi nói với chú Lư, “tật xấu của con rất nhiều, lúc nhỏ không được dạy bảo, mong rằng sau này nếu còn có bất kỳ khuyết điểm nào thì mong chú hãy chỉ ra giúp con”. Tôi quen chú Lư hơn hai năm, chỉ cần có cơ hội là tôi gọi điện thoại cho chú xin chỉ bảo. Mà trong khoảng thời gian ở cùng chú, chỉ cần tôi có vấn đề thì chú đều thẳng thắn không e ngại mà nói với tôi. Chúng ta có tâm cung kính, chúng ta biết được phải thực hành “Nghe khen sợ – nghe lỗi vui – người hiền lương – dần gần gũi”. Nhờ vào thái độ này mà thực sự khiến cho cuộc đời của chính mình có được lợi ích vô cùng lớn. “Học quý ở chỗ thực hành”, chỉ có thực hành mới có được lợi ích thật sự.

Buổi sáng chúng ta có nhắc tới nguyện thứ hai “xưng tán Như Lai” trong Phổ Hiền thập nguyện, xưng tán cũng phải tùy theo tánh đức, nếu bạn không xưng tán dựa trên tánh đức thì rất dễ khiến cho đối phương ngạo mạn, trưởng dưỡng tâm hư vinh của họ. Tôi nhớ có lần một bé gái tới nhà tôi chơi, bé ấy khoảng hơn ba tuổi. Dì của tôi dẫn bé ấy tới, đúng lúc cha mẹ tôi đều có nhà, dì ấy liền bảo cháu ngoại mình trình diễn Anh văn. Dì nói “nào, chúng ta nói tiếng Anh cho ông bà nghe”. Bắt đầu hỏi bé, “trái táo tiếng anh nói như thế nào”, bé gái trả lời “apple”, “cái dù tiếng anh nói như thế nào?” Bé ấy trả lời rất trôi chảy, “umbrella”. Hỏi rất nhiều từ đều không làm khó được bé. Đột nhiên bé gái quay lại hỏi bà ngoại em: “ngoại ơi, quyển sách tiếng anh nói như thế nào?” Bà ngoại nói: “ngoại làm sao mà biết được”. Tiếp đó bé gái nói: “bà ngoại, sao bà lại ngốc như vậy”. Khi chúng ta khen ngợi năng lực của chúng, trong lòng đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Mình rất lợi hại, mình rất giỏi. Nếu như từ nhỏ đã được khen ngợi như vậy, “chỉ bề ngoài – thành người nào”, cho nên chúng ta phải rất nhạy bén đối với đức hạnh của con trẻ.

Khi tôi mở chương đầu tiên “Khúc Lễ” trong “Lễ Ký” ra, trang đầu tiên của Khúc Lễ có bốn câu nhắc nhở, tôi xem xong cũng khá xúc động. Bốn câu nhắc nhở, câu đầu tiên là “chớ nuôi lớn tâm ngạo mạn”, câu thứ hai “không phóng túng dục vọng”, dục vọng là vực sâu không đáy, không được phóng túng, “chí không nên tự mãn”“vui không nên cùng cực”, vì vui quá hóa buồn. Chúng ta xem hiện nay người trên thế gian phạm phải bốn lỗi này rất nhiều, cũng thường tạo ra những ảnh hưởng không tốt. Bởi vì giáo dục có một điểm rất quan trọng, phải “đề phòng từ khi chưa phát sinh”, khi một người còn chưa có thái độ sai lầm này thì bạn phải dạy họ thái độ đúng. Nếu như họ đã học được thái độ sai lầm, muốn xoay chuyển trở lại sẽ rất khó khăn. “Xảy ra rồi mới ngăn cấm”, họ đã tạo thành thói quen rồi bạn mới cấm đoán, “ngăn cấm sẽ rất khó khăn”. Bạn muốn chỉ bảo lại họ thì giống như đánh trận với họ vậy, rất khó xoay chuyển. Cho nên xưng tán nhất định phải xưng tán dựa trên tánh đức.

Có một lần tôi gặp một anh bạn trẻ, chắc là nhỏ hơn tôi khoảng năm đến sáu tuổi. Nhìn thấy cậu ấy trong lòng tôi khó mà che giấu được sự vui mừng, vì cậu ấy cũng đang học tập Phật pháp. Ngay lập tức tôi khen ngợi cậu ấy, nói em còn trẻ như vậy mà đã học Phật, thật giỏi quá! Sau đó ba bốn ngày thì nhìn thấy cậu ấy có một vấn đề nhỏ, bởi vì cũng nhỏ hơn tôi vài tuổi nên tôi chủ động tìm cậu ấy để nói chuyện, nói với cậu rằng chuyện như vậy chúng ta nên tránh. Khi tôi góp ý với cậu ấy thì đột nhiên thấy khuôn mặt của cậu biến sắc. “Nghe lỗi giận – nghe khen vui”, vừa nghe thấy lỗi lầm thì liền không vui, mặt lộ vẻ tức giận. Bởi vì tôi cũng biết quan sát lời nói sắc mặt nên khi thấy cậu ấy biến sắc thì không tiếp tục nói nữa, nếu không sẽ kết thành ác duyên, ngay lập tức dừng lại, không dám nói tiếp nữa. Tôi nhớ đến lúc mới đầu, chúng ta không thể vừa gặp ai đó, còn chưa hiểu rõ tình hình đã không e ngại mà khen ngợi họ, có thể là tâm tốt mà lại làm chuyện xấu. Cho nên sau này khen ngợi người khác thì phải làm theo lời dạy bảo của Đệ Tử Quy. Ví dụ như họ hiếu thuận cha mẹ, điều này tương ưng với tánh đức, bạn càng khen ngợi họ thì họ càng nghiêm túc thực hành. Bạn thấy cuộc sống của họ rất có quy luật, bạn khen ngợi họ thì cũng khiến họ vui vẻ duy trì, tiếp tục nâng cao. Xưng tán Như Lai, chúng ta dựa vào tiêu chuẩn tánh đức, tiêu chuẩn đức hạnh thì mới xưng tán.

Câu tiếp theo “Quảng tu cúng dường”, cúng dường gồm bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Trong phần “Nhập tắc hiếu” có nói đủ ba loại cúng dường đối với cha mẹ. “Sáng phải thăm – tối phải viếng”, phải tận tâm tận lực cung cấp những thứ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của cha mẹ, đây là bố thí nội tài, cộng thêm bố thí ngoại tài. Kế đến là bố thí pháp, có cần phải cúng dường pháp cho cha mẹ không? “cha mẹ vãng sanh Tây Phương, đạo làm con mới thành tựu”, “Cha mẹ lỗi – khuyên thay đổi – mặt ta vui – lời ta dịu”. Cúng dường pháp cho cha mẹ thì thái độ cũng phải đúng, nếu không sẽ phản tác dụng, làm việc theo cảm tính thì không tốt. Đây là cúng dường pháp. Cúng dường vô úy, để cho cha mẹ trong lòng không lo lắng, “Cha mẹ thích – dốc lòng làm – cha mẹ ghét – cẩn thận bỏ”; khi cha mẹ bị bệnh, chúng ta phải tận tâm tận lực chăm sóc, “Cha mẹ bệnh – nếm thuốc trước – ngày đêm hầu – không rời giường”.

Khi chúng ta có thể tu viên mãn ba loại cúng dường đối với cha mẹ này, tiến thêm một bước nữa là mở rộng tâm hiếu thảo này đến hết thảy chúng sanh. Kinh Phạm Võng cũng dạy chúng ta rằng “hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”. Đối với bất kỳ lời dạy bảo nào của đức Phật, chúng ta tuyệt đối không được phép giảm bớt; nếu như chúng ta giảm bớt lời Phật dạy thì chúng ta đã sanh tâm phân biệt, không còn thật thà nữa. Khi đức Phật nói cho chúng ta biết về chân tướng vũ trụ nhân sanh, chúng ta nhất định phải lấy đó làm tiêu chuẩn, lấy đó làm phương hướng, toàn tâm toàn ý thực hành theo. “Quảng” là chỉ không có biên giới, chúng ta đem tâm cúng dường này mở rộng đến hết thảy chúng sanh mới thực sự là thực hành “Quảng tu cúng dường”.

Tiếp theo là “Sám hối nghiệp chướng”. Tại sao lại có nghiệp chướng? Bởi vì chúng ta mê hoặc nên tạo nghiệp, phải chịu những đau khổ này, gọi là hoặc, nghiệp, khổ. Do mê hoặc nên không biết thái độ đúng đắn để đối đãi với người khác, đối đãi với sự vật, sự việc, không biết mới tạo nghiệp. Giáo dục Thánh Hiền đã đứt đoạn gần ba đời nay. Khi chúng tôi đi giảng ở Hàng Châu, giảng tới ngày thứ ba thì có một chú khoảng 40 tuổi, chú ấy làm bảo vệ hơn mười năm rồi, đơn vị đứng ra tổ chức sắp xếp chú ấy tới bảo vệ cho các giáo viên chúng tôi. Chú ấy nghe giảng được 3 ngày, ngày thứ 3 đúng lúc đưa chúng tôi đi ăn cơm, chú ấy luôn miệng nói: Thật tốt quá! Thật tốt quá. Chúng tôi nghe chú ấy nói vậy cũng không hiểu chuyện gì, chỉ biết là trong lòng chú ấy rất vui. Tới nơi ăn cơm, chú ấy nói với chúng tôi: tâm tình của chú bây giờ chỉ có thể dùng ngôn ngữ của đứa trẻ ba tuổi để diễn tả, chính là thật tốt quá! Chú sống bốn mươi năm rồi, cuối cùng cũng biết được cuộc đời của chú sai lầm ở chỗ nào, biết được vợ chú tại sao lại bỏ chú, con cái không muốn nói chuyện với chú, tại sao đồng nghiệp lại sợ chú, cuối cùng chú cũng hiểu được vấn đề. Khi một người thực sự phát hiện được vấn đề của chính mình thì nội tâm của họ mới bắt đầu an ổn.

Thực ra đời người trôi qua mấy chục năm, khi chúng ta không biết mình sai ở đâu, nội tâm vô cùng trống rỗng. Tuổi tác ngày một lớn, lại giữ thể diện, không muốn thừa nhận sai lầm, lại không biết sai ở chỗ nào, mỗi ngày tâm đều lơ lửng ở lưng chừng trời. Khi họ biết được bởi vì họ không biết thông cảm cho người khác, không biết thực hành Đệ Tử Quy mới tạo ra những sai lầm này. Khi họ hiểu được thì họ rất vui vẻ. Vậy nên biết mình sai ở chỗ nào mới có thể sửa chữa sai lầm. Trong lòng có tiêu chuẩn lý trí, lúc nào cũng lấy tiêu chuẩn này ra quán chiếu mới có thể thực sự sám hối nghiệp chướng.

Mà sám hối quan trọng nhất là sau này không tái phạm nữa. Chư vị đồng tu, hiện nay muốn làm được sau này không tái phạm nữa có dễ dàng không? Nếu như hôm nay bạn có một người bạn, người ấy học Đệ Tử Quy, học câu nào liền ngay lập tức sửa đổi, đều làm được; nếu bạn có người bạn như vậy thì nhất định báo cho chúng tôi biết. Tại sao vậy? Bởi vì người đó có thể là Nhan Uyên chuyển thế, chúng ta phải nhanh chóng mời người ấy ra hoằng dương chánh pháp, hoằng dương văn hóa truyền thống. Bởi vì tập khí từ vô thỉ kiếp của chúng ta rất nặng, đối với lỗi lầm của người khác, chúng ta cũng không nên quá hà khắc, chỉ cần tận lực nhắc nhở đối phương, để họ biết được đúng sai.

Trong mấy năm tôi làm ngành giáo dục chưa từng tức giận. Rất nhiều đồng nghiệp, bạn học của tôi đều ngạc nhiên, họ nói trẻ em bây giờ khó dạy như vậy, tại sao tôi lại không tức giận? Tôi chia sẻ với họ rằng bởi vì trong Kinh Phạm Võng đức Phật có khuyên răn chúng ta, ngài nói đây là lần thứ 8000 ngài tới thế gian này, mà lần thứ 8000 này còn giảng bao nhiêu năm? 49 năm. Trong một lần tôi lễ bái Thích Ca Mâu Ni Phật, đột nhiên câu kinh này giống như một luồng ánh sáng chiếu vào trong đầu tôi khiến tôi rơi lệ. Bởi vì cảm thấy chính mình là học sinh quá kém cỏi, khuyên 8000 lần mà vẫn còn mê hoặc điên đảo, mà lần thứ 8000 còn khuyên tôi 49 năm, tôi vẫn không chịu nghe, tôi đúng là học sinh quá kém cỏi. Tôi kém cỏi như vậy, khuyên học sinh của mình 2 hay 3 lần mà chúng không nghe, làm sao dám tức giận chứ? Bởi vì tôi còn không bằng chúng, mà chúng ta cũng phải học tập sự kiên nhẫn của Thích Ca Mâu Ni Phật, học cái tâm không mệt mỏi không chán ghét của ngài để làm ngành giáo dục. Chúng ta kì vọng chính mình phát hiện ra vấn đề thì phải dũng cảm sửa đổi lỗi lầm, đồng thời không được quá hà khắc với lỗi lầm của người khác, phải thông cảm nhiều hơn, nhắc nhở, quan tâm nhiều hơn. Vậy mới là sám hối nghiệp chướng.

“Thứ năm, tùy hỷ công đức”, trong Đệ Tử Quy có câu “Khen người thiện – tức là tốt – người biết được – càng tốt hơn”. Khi chúng ta tùy hỉ công đức, công đức này cũng phải tương ưng với tánh đức thì mới có thể tùy hỉ tán thán. Bởi vì chúng ta hiểu được, thời mạt pháp tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, tà sư tại sao lại có nhiều tín chúng như vậy? Bên cạnh họ có rất nhiều người đang tùy hỉ công đức hay không? Có rất nhiều, nên mới khiến cho nhiều người tin họ như vậy, sự tùy hỉ của mọi người đã sai rồi.

Có một lần, một thầy chỗ chúng tôi tham gia buổi diễn thuyết hai tiếng đồng hồ, người giảng khen ngợi tầm quan trọng của văn hóa truyền thống. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, hơn một nửa người nghe đều bắt đầu khen ngợi: giảng hay quá! Giảng xuất sắc quá! Vị thầy của chúng tôi cũng rất bình tĩnh, khi mọi người đều ngồi xuống, thầy ấy mới hỏi một câu: “người giảng này từ đầu đến cuối có nói tới hiếu đạo hay không?”, tất cả mọi người đều trả lời là không có. Văn hóa truyền thống quan trọng nhất là cái gì? Hiếu đạo và sư đạo, mà hiếu đạo là căn bản của đức hạnh, giảng hai tiếng đồng hồ, đến điều căn bản nhất cũng không nhắc tới. Thời đại này treo đều dê bán thịt chó rất nhiều, chúng ta phải biết được phán đoán đúng sai thì sự tán thán, tùy hỉ công đức của chúng ta mới không tạo thành sai lầm.

“Thứ năm tùy hỉ công đức, thứ sáu thỉnh chuyển pháp luân”. Chúng ta bây giờ muốn quan sát được, “Nên dùng thân phận nào mới độ thoát được họ, liền hiện thân phận đó mà thuyết pháp”, hiện nay chúng ta muốn chuyển pháp luân, muốn hộ trì chủng tánh Phật, để cho tự tánh của chúng sanh có thể hiển lộ ra, nhất định phải quan sát cơ duyên hiện nay, rốt cuộc là làm như thế nào mới có thể đánh thức chúng sanh giác ngộ? Những năm đầu dân quốc, đại sư Ấn Quang dạy bảo chúng ta, quan trọng nhất là phải thực hành “Hiếu đễ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ”, hơn nữa phải tin sâu nhân quả. Cho nên lúc đó Ấn Quang đại sư in số lượng vô cùng lớn cho ba cuốn sách, đó là Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, còn có Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên. Ba cuốn sách này không phải là kinh Phật, tại sao Ấn Quang đại sư lại tốn nhiều công sức hoằng dương ba cuốn sách này? Quan trọng nhất là con người khi đó nhất định phải dùng giáo dục nhân quả để dạy họ, họ mới có thể thức tỉnh được.

Chúng ta nhìn xem xã hội hiện nay, con người có tin vào nhân quả hay không? Bây giờ đến tin vào nhân quả còn khó khăn. Sư phụ quan sát được nhân duyên này, hiểu được con người hiện nay đến căn bản làm người còn không hiểu rõ, không biết cách làm người. Cho nên mấy năm gần đây mới kêu gọi, nói với chúng ta cho dù là người xuất gia hay tại gia, cho dù là bạn đã 80 tuổi hay chưa đều nhất định phải bắt đầu thực hành từ Đệ Tử Quy, đây là căn bản, là nền tảng. Tôi tới Tịnh Tông học viện học tập, điều mà tôi kinh ngạc nhất đó là khóa trình học tập 9 năm mà hòa thượng đặt ra. Trong đó thời gian hai năm đầu lấy “Tịnh nghiệp tam phước” làm nền tảng, mà phước thứ nhất trong Tịnh nghiệp tam phước, câu đầu tiên đó là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là thực hành Đệ Tử Quy. Cho nên chúng ta thỉnh chuyển pháp luân, có thể hoằng dương Đệ Tử Quy, để tất cả mọi người hiểu được căn bản của làm người thì mới có thể nối tiếp chánh pháp được.

“Thỉnh Phật trụ thế”, chúng ta gặp được người có đức hạnh, chúng ta nên dùng lễ thỉnh họ giáo hóa một phương, “Thấy người tốt – nên sửa mình – dù còn xa – cũng dần kịp”; “Gần người hiền – tốt vô hạn – đức tiến dần – lỗi ngày giảm”, khi chúng ta thân cận người nhân đức, cũng là đang thỉnh Phật trụ thế. Mà chúng sanh hiện nay có thể đạt được lợi ích của pháp, nhất định phải làm được “trường kì huân tu”. Nếu như nghe được hai hay ba tiếng đồng hồ đã có thể khai ngộ thì thật là không thể nghĩ bàn. Vì con người hiện nay đã quên mất căn bản làm người, nên chúng ta muốn đánh thức lý trí, giác ngộ của họ thì nhất định phải trường kì huân tu. Chúng ta thỉnh Phật trụ thế, nhất định phải giảng pháp ở một nơi trong thời gian dài.

Tôi giảng Đệ Tử Quy ở Hải Khẩu, các bạn xem một cuốn Đệ Tử Quy phải giảng bao nhiêu lâu? Giảng nửa năm, mỗi tuần định kì giảng cho phụ huynh và giáo viên. Tôi phát hiện ra mọi người tới nghe giảng, lúc mới nghe hơn một tháng thì sắc mặt vẫn còn không thoải mái, vẫn có rất nhiều nghi ngờ. Hai ba tháng sau thì họ bắt đầu thông hiểu một chút đạo lý, lý đắc tâm an, khí sắc cũng hoàn toàn khác. Ngày nay nếu như chúng ta lập chí hướng hoằng dương Đệ Tử Quy, chúng ta phải tạo ra cơ hội để chúng sanh tới trường kì huân tu. Nếu bạn khuyên bạn bè mình phát tâm làm chuyện này thì cũng phải nói với họ, nhất định phải giảng trong thời gian dài mới có được kết quả.

“Thứ chín hằng thuận chúng sanh, thứ mười phổ giai hồi hướng”. Chúng sanh hiện nay có thể có được lợi ích thật sự thì nhất định phải bắt đầu thực hành từ gia đình. Mà gia đình hiện nay cần nhất là cái gì? Khi chúng ta thường giới thiệu Phật pháp với bạn bè, họ luôn cảm thấy rằng đợi đến bốn năm mươi tuổi thì hẵng học, tình trạng này khá phổ biến. Chúng ta giới thiệu kinh điển với họ, ngay lập tức họ nhận được lợi ích thì họ mới tích cực được. Sáng nay chúng ta có nhắc tới mỗi nhà mỗi cảnh, vấn đề đau đầu nhất trong gia đình hiện nay là làm sao dạy dỗ đời sau? Khi chúng ta nói những điều họ cần nhất thì họ sẽ vui vẻ mà học tập, huân tu.

Lúc đầu giảng “Nhập tắc hiếu”, các vị phụ huynh rất hoan hỉ, đồng thời mỗi tuần đều có lớp học cố định cho các em nhỏ, để các em tới huân tập lời dạy bảo của Thánh Hiền. Khi phụ huynh và học sinh cùng nhau học tập thì gia phong sẽ thay đổi rất nhanh, từ từ họ sẽ hiểu được lời dạy bảo của Thánh Hiền, lời dạy bảo của chư Phật-Bồ Tát là chân thật không hư dối. Nên chư vị đồng tu muốn giới thiệu Phật pháp thì nên luôn mang theo bên mình một cuốn sách Đệ Tử Quy, bởi vì đó là pháp bảo mà các gia đình hiện nay đều cần. Như vậy là chúng ta đã “hằng thuận chúng sanh”

Cuối cùng là “phổ giai hồi hướng”. Tôi đi giảng ở Hàng Châu gặp được một ông lão, ông niệm Phật cầu vãng sanh ở Thiên Mục Sơn, ông ấy đã 80 tuổi rồi. Năm ngày giảng ở Hàng Châu của tôi cũng được phát sóng ở Niệm Phật đường của Thiên Mục Sơn, sau khi nghe giảng mấy ngày thì ông từ Niệm Phật đường đi đến chỗ chúng tôi giảng. Lúc đó chúng tôi vừa ăn cơm xong bước ra, ông ấy đột nhiên quỳ xuống. Trước đây lúc học đại học tôi có đánh cầu lông ở trong đội cầu lông của trường, đánh cầu lông có một động tác theo phản xạ là cúi người xuống để cứu cầu, hai đầu gối phải quỳ xuống. Khi ông ấy quỳ xuống trong đầu tôi cũng không nghĩ gì, ngay lập tức lướt tới, quỳ xuống cùng lúc với ông, đỡ ông dậy, tôi nói: lão Bồ Tát ơi, chúng ta có gì thì đứng dậy nói.

Ông nói với tôi, thầy Thái à, thầy phải đồng ý với tôi hai chuyện. Chuyện thứ nhất là mọi người nhất định phải đến quê nhà của tôi ở Ô Lỗ Mộc Tề – Tân Cương giảng, bởi vì ở nơi đó không còn nghe được lời dạy bảo của tổ tiên nữa. Các vị đồng tu, ông ấy đã 80 tuổi rồi, con của ông làm giảng viên đại học, đời này của ông không còn thiếu thốn bất cứ thứ gì. Vậy ông ấy thỉnh cầu vì ai? Thỉnh cầu vì chúng sanh. Niệm niệm của ông đều suy nghĩ cho chúng sanh, ông có được tâm cảnh như vậy, đó mới thật sự là phổ giai hồi hướng. Ông đã dạy một bài học cho tất cả giáo viên tham dự khóa giảng đó, ông ấy là tấm gương cho chúng tôi học tập theo. Tiếp đó ông nói: đĩa giảng của thầy nhất định phải cho tôi một bộ. Ông ấy đã hơn 80 tuổi rồi, thực sự là làm được “sống đến già, học đến già”.

Thực hành Đệ Tử Quy cũng là đang thực hành Phổ Hiền thập nguyện, vậy Đệ Tử Quy rốt cuộc là thế gian pháp hay xuất thế gian pháp? Khi chúng ta sử dụng mà không phân biệt, không chấp trước, dùng tâm cảnh “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” để thực hành Đệ Tử Quy thì đó chính là xuất thế gian pháp. Khi chúng ta dùng phân biệt, chấp trước để tu học Phật pháp đại thừa thì Phật pháp đại thừa trở thành thế gian pháp, cũng trở thành nghiệp luân hồi. Cho nên thế gian hay xuất thế gian pháp chỉ cách nhau ở chỗ giác ngộ hay mê hoặc mà thôi, giác ngộ thì hết thảy pháp đều là Phật pháp; mê hoặc thì xuất thế gian pháp cũng biến thành thế gian pháp. Chúng ta hôm nay học tập Đệ Tử Quy thì phải dùng tâm vì Phật pháp, vì chúng sanh mà thực hành, phổ biến Đệ Tử Quy, “học quý ở chỗ lập chí”, phải lập chí hướng này.

Khóa học đầu tiên cho các thầy cô ở Hải Khẩu, đối diện với tất cả thầy cô, chúng tôi cùng nhau lập chí nguyện, “vì thánh nhân xưa mà kế thừa tuyệt học, vì vạn thế mà khai mở thái bình”. Nghe được chí hướng như vậy, mọi người có cảm thấy áp lực rất lớn không? Kì thực rất nhiều khó khăn là do chúng ta tưởng tượng ra, khi bạn thật sự làm sẽ không thấy khó khăn đến vậy. Tôi nhớ khi còn học cấp ba, học một đoạn của thầy Mạnh Tử, đó là “Khi trời muốn giao phó một trọng trách cho người nào thì trước hết làm cho khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt, đói cái thể xác, cùng túng cái thân người ấy, động làm gì cũng nghịch ý muốn”. Tại sao phải như vậy? “có vậy mới khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, thêm ích cho những điều chưa làm được”, những khảo nghiệm này mới khiến cho năng lực của người ấy nâng lên. Khi tôi đọc xong câu này, nội tâm nói với chính mình, có muốn làm Thánh Hiền không? Nhất định rất khổ nên không muốn. Bạn xem, chúng ta đối mặt với những lời dạy bảo này, nếu như có nhận thức sai lầm, có thể là nhân duyên mong muốn trở thành Thánh Hiền liền đứt đoạn. Cho nên người làm thầy cô như chúng tôi nhất định phải nói rõ tâm cảnh của Thánh Hiền cho mọi người biết.

Sau đó tôi đến Hải Khẩu phổ biến văn hóa truyền thống, mỗi ngày đích thực là đi sớm về khuya. Sáng sớm rời khỏi nhà, lớp học đều bắt đầu vào buổi tối, học xong lại giao lưu với phụ huynh và các giáo viên, hơn 10 giờ, 11 giờ mới trở về nhà. Sau đó vệ sinh cá nhân xong đặt lưng xuống giường là khoảng 12 giờ đêm. Nếu như cuộc sống phong phú, cho dù rất mệt cũng không nghĩ ngợi linh tinh, đặt mình xuống là ngủ. Có một số phụ huynh nói với tôi, thầy Thái ơi, vất vả cho thầy rồi! Lúc đó tôi đột nhiên hiểu được, con người kỳ thật không sợ thân thể mệt mỏi, mà sợ tâm mệt mỏi. Thân mệt thì ngủ sáu bảy tiếng đồng hồ, tỉnh dậy lại làm một trang hảo hán; nhưng mà tâm mệt thì rất khổ. Khi chúng ta đối mặt với con cái, với người nhà, không biết làm sao để giúp đỡ họ mới thật sự là khổ. Chúng ta nhìn thấy xã hội này, văn hóa này xuất hiện vấn đề lớn như vậy, mà chúng ta chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn, lúc này mới thật sự là khổ.

Nuối tiếc lớn nhất của cuộc đời là khi chúng ta hiểu được rất nhiều việc nên làm, nhất định phải làm nhưng chúng ta lại không có năng lực. Chúng ta có thể gặp được lời dạy bảo của Phật – Bồ Tát, gặp được lời dạy bảo của Thánh Hiền, nội tâm vô cùng hoan hỉ, đúng lúc gặp được cơ duyên có thể phổ biến văn hóa truyền thống, càng làm càng thấy an ổn. Đột nhiên có lãnh hội mới đối với câu nói của thầy Mạnh Tử, bởi vì sự rèn luyện này “mới khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, thêm ích cho những điều chưa làm được”; năng lực của chúng ta nâng cao thì mới có thể làm tốt chuyện nên làm, làm một cách viên mãn. Đối mặt với thử thách, đối mặt với rèn luyện, nội tâm mới ngọt như đường. Các vị Thánh Hiền có khổ không? Không khổ chút nào, thực tình mà nói, “thương người thì người thương lại, kính người thì người kính lại” (khi tôi học cấp ba có sự hiểu lầm không hề nhỏ đối với cuộc đời của các vị Thánh Hiền).

Các thầy cô ở Hải Khẩu của chúng tôi, đích thực là có chí hướng “vì thánh nhân xưa mà kế thừa tuyệt học, vì vạn thế mà khai mở thái bình”, mà hai câu này cũng thể hiện nhân quả. Chúng ta thường mong cầu thế giới hòa bình, ngàn đời có thể thái bình, mong cầu như vậy có tác dụng không? Khai mở thái bình là kết quả, nhân là lòng người phải hướng thiện, muốn lòng người hướng thiện thì nhất định phải thông qua giáo dục, thông qua học tập giáo dục Thánh Hiền. Cho nên nếu muốn “vì thánh nhân xưa mà kế thừa tuyệt học” thì phải trồng đúng nhân mới có thể khai mở cuộc sống thái bình cho đời sau. Các thầy cô có chí hướng như vậy nên học tập rất nghiêm túc, gánh vác trách nhiệm cũng là sự khởi đầu của trưởng thành, mọi người đi học không nghỉ buổi nào. Sau khi học được một hai tháng, tôi cũng mời mọi người buổi học sau lên giảng khoảng 10 phút. Các thầy cô đều nói: đừng mà, tôi không dám. Phải mời gọi nài nỉ mãi mọi người mới chịu lên giảng. Kết quả khá thú vị, các thầy cô lên bục giảng quá hăng say không bước xuống được, tôi còn phải ở phía sau nhắc nhẹ “hết thời gian rồi”. Đột nhiên thể hội được tình cảm thật thì văn chương hay.

Bởi vì họ thực sự dùng vào việc tu thân của chình mình, dùng vào tề gia của chính mình. Không chỉ dùng trong gia đình mà đến trường học cũng lấy mình làm gương, dẫn dắt con cái thâm nhập giáo huấn của Thánh Hiền. Đây là sự tu thân của các thầy cô, sáng sớm các thầy cô đến trường đầu tiên, ngồi mở Đệ Tử Quy, mở Hiếu Kinh ra đọc tụng. Học sinh vừa bước vào lớp, vốn định mang theo đồ ăn sáng vào lớp ngồi ăn, vừa vào đã nhìn thấy thầy cô ngồi ngay ngắn ở đó đọc sách, học sinh ngay lập tức cúi người, mau chóng ngồi xuống, lấy cái gì ra? Kinh sách. Phương pháp giáo dục tốn ít công sức nhất là gì? Thật sự không hề phức tạp, lấy mình làm gương.

Lớp mà các thầy cô dẫn dắt đều rất giỏi, thành tích học tập từ đứng chót, trong vòng mấy tháng dần dần đã vượt lên phía trên; không chỉ là thành tích học tập tốt, cả lớp còn vô cùng lễ phép với các thầy cô giáo khác. Từ chỗ này chúng ta cũng chứng minh được, con trẻ có đức hạnh, học tập nhất định sẽ tốt lên; con trẻ có tâm hiếu thảo, học hành cũng không cần người khác phải lo lắng. Đây là giải quyết vấn đề học tập từ cái gốc. Nếu như đứa trẻ không có tâm hiếu thảo, không có đức hạnh, cha mẹ cầm roi đứng bên cạnh đốc thúc chúng, xin hỏi mọi người phải đốc thúc chúng đến khi nào? Cây roi đó có khi phải dùng cho đến khi chúng trưởng thành, thậm chí là cho đến tận khi cha mẹ sắp qua đời cũng không yên tâm được. Cho nên giúp con trẻ học tập đức hạnh là để cứu vớt cuộc đời chúng từ cái gốc, cắm cái gốc đức hạnh.

Lớp học này có thành tích như vậy, hiệu trưởng mới chủ động hỏi thầy chủ nhiệm, “anh đã dạy học sinh như thế nào vậy?” Thầy giáo trả lời, “em mời các vị Thánh Hiền xưa đến cùng dạy học sinh”. Mỗi ngày lớp thầy đều học hai ba câu chuyện giáo dục đức hạnh, trong quá trình kể, các vị Thánh Hiền đều trở thành thầy của học sinh, trở thành tấm gương của học sinh. Do lớp học mà thầy chủ nhiệm có thành tích như vậy, hiệu trưởng còn mời thầy cô ở trường của chúng tôi tới giảng cho thầy cô toàn trường, đây là trị quốc, không chỉ là một lớp, còn mở rộng đến cả trường học. Bởi vì học tập văn hóa truyền thống rất nghiêm túc, thực hành cũng rất nghiêm túc, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm đối nhân xử thế và kinh nghiệm dạy học nên các thầy cô này lại cùng chúng tôi đi giảng dạy khắp nơi. Sau đó các thầy cô này làm công việc gì? Chu du liệt quốc, trị quốc, bình thiên hạ. Mà tấm gương mà các thầy cô làm ra, chúng tôi cũng mang theo tới Đông Nam Á, hiện nay mang tới Úc, sau này còn mang nó tới nước Mỹ, đến các nơi khác. Thế nên họ cũng đang bình thiên hạ.

Thưa các bạn! Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ có phải là bốn việc không? Là mấy việc? Một việc. Trong sách “Đại Học” có một câu “từ bậc thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy tu thân làm gốc”, làm căn bản, chúng ta nhất định phải ghi nhớ câu này trong tâm. Bất kì thành tựu nào trên thế gian, chỉ cần không lấy tu thân làm gốc, sớm muốn gì cũng sụp đổ, không có chuyện ngoại lệ. Tục ngữ có câu giàu không quá mấy đời? Câu này bây giờ phải sửa lại một chút, ba đời quá dài rồi. Giàu không quá mấy đời? Một đời còn khó mà giữ được. Bởi vì con người hiện nay quên cả bổn phận của việc làm người, trên làm dưới noi theo, tấm gương sai lầm một khi truyền cho đời sau, dù có kiếm được nhiều tiền hơn cũng không đủ cho con cháu bất hiếu tiêu xài, chỉ trong phút chốc mà phá sản. Chúng ta thấy rất nhiều người huy hoàng trong phút chốc thì không nên ngưỡng mộ, chỉ cần họ không lấy tu thân làm gốc thì sớm muộn cũng sẽ phá sản. Chỉ cần chúng ta hạ thủ từ chỗ tu thân trong gia đình, trong sự nghiệp thì tề gia, trị quốc tự nhiên sẽ được phổ biến rộng rãi. “Học quý ở chỗ lập chí”, không nên xem nhẹ sức ảnh hưởng của chính mình.

Tiếp theo, “học quý ở chỗ thực hành”. Chúng ta học Đệ Tử Quy, học một câu nhất định phải thực hành một câu, thái độ này rất quan trọng. Khi chúng tôi tới giảng ở Thẩm Quyến, ở đó có một trường mầm non chuyên dạy trẻ nhỏ đọc tụng kinh điển là chủ yếu, cũng đọc tụng được hai năm rồi. Giáo viên trường mầm non đó cũng tới mời tôi qua trường giảng cho các em nhỏ. Tôi chỉ biết giảng một cuốn, chỉ biết giảng Đệ Tử Quy, thế nên tôi nói là tôi sẽ giảng Đệ Tử Quy. Vừa bước vào lớp, tôi nói với các em nhỏ, các em ấy khoảng 6 tuổi: “nào, hôm nay thầy giảng Đệ Tử Quy cho các em”. Tất cả học sinh đồng thanh trả lời: thưa thầy, Đệ Tử Quy chúng em học qua rồi, chúng em đều thuộc rồi. Thái độ học tập rất quan trọng, con trẻ mới sáu tuổi đã xem thường học vấn, học thuộc tức là đã biết rồi.

Tiếp đó tôi nói với các em nhỏ, tôi cũng không phê bình các em ấy, chữ tượng hình rất có trí tuệ, cả thế giới này chỉ có chữ tượng hình của chúng ta thể hiện được triết học nhân sinh, trí tuệ nhân sinh. Chúng ta cùng xem chữ “Đạo” này, chúng ta đọc tụng kinh điển là muốn làm người có đạo đức. Các em xem chữ Đạo này, bên phải là chữ “Thủ”, bên trái là bộ Sước, bộ Sước này ý nghĩa là phải thực hành; chúng ta xem chữ “tiền tiến”, bộ Sước trong chữ tiến cũng thể hiện phải thực hành. Người có đạo đức trước tiên phải thực hành, phải làm được mới thật sự là người có đạo đức. Các bạn nhỏ, các em đã làm được câu nào trong Đệ Tử Quy? Chúng suy ngẫm lại, học thuộc rất giỏi, “cha mẹ gọi”, vốn là đầu ngẩng rất cao, đột nhiên đều cúi đầu thấp xuống. Trẻ em thật ra rất đơn thuần, tập khí của chúng không nặng, quan trọng nhất là bạn phải dạy cho chúng thái độ đúng đắn thì chúng rất nhanh chóng xoay chuyển lại. Hôm đó tôi dạy chúng mấy câu kinh văn, dẫn dắt chúng thực hành vào đối nhân xử thế, áp dụng vào trong cuộc sống.

Có một em nhỏ hôm đó trở về nhà viết nhật ký, câu đầu tiên viết rằng: thầy Thái hôm nay dạy lớp chúng tôi Đệ Tử Quy, thầy Thái nói Đệ Tử Quy là để thực hành, chứ không phải chỉ để học thuộc. Khi thái độ đúng đắn được cắm rễ vào trong tâm của trẻ thì cả đời chúng sẽ nhận được lợi ích. Em nhỏ này vào kì nghỉ Tết, đúng lúc tham dự một hoạt động, hoạt động này nếu bạn thi đạt qua mấy vòng thì sẽ nhận được giải thưởng. Trong đó có một vòng phải lắc vòng, nhất định phải lắc được mấy vòng thì mới tính là qua cửa. Đứa trẻ này muốn qua cửa thì còn lắc thiếu mấy vòng nữa, cô giám khảo vòng đó nói: không sao, cô cho con qua cửa. Đức trẻ nói: không được, như vậy là không làm theo quy tắc, là lừa người, có lỗi với lương tâm của chính mình. Cho nên chỉ cần chúng ta cắm rễ cho con trẻ từ nhỏ thì cả đời chúng sẽ không thay đổi.

Còn một bé gái khác, trở về nhà hôm sau đứng ở trước cửa phòng ba mẹ, đợi ba mẹ bước ra, bé gái này liền cúi đầu nói: con chào ba mẹ! Hôm qua ba mẹ ngủ ngon không? Ba mẹ của em giật mình kinh ngạc, mau chóng gọi điện thoại cho trường mầm non, hỏi hôm qua đã xảy ra chuyện gì? Bậc làm cha mẹ như vậy rất có trách nhiệm, cũng rất nhạy bén, biết được là do thầy cô dạy con mình cách làm người, phải nhanh chóng tìm hiểu, tiếp đó mới có thể phối hợp với thầy cô cho tốt. Cho nên con trẻ không khó dạy, hôm nay nếu như con bạn bắt đầu học Đệ Tử Quy, bắt đầu thực hành, chúng ta nhất định phải phối hợp với giáo viên. Bạn không thể xoa đầu con gái mình rồi nói: con gái à, hôm nay con có bị sao không? Như vậy là phản giáo dục, không tốt. Hiện nay rất nhiều phụ huynh quá tùy tiện với con cái, trong lúc tùy tiện có thể là đang phản giáo dục, người lớn như chúng ta phải có sự nhạy bén. Thông qua giáo dục của Đệ Tử Quy, thực hành trong gia đình, khiến Đệ Tử Quy trở thành gia quy của chúng ta.

Các bạn đồng tu, gia đình các bạn có gia quy không? Không có, vậy con cái đã hơn 10 tuổi, trong 10 năm này chúng ta đã gieo hạt giống gì? Mười năm sau chúng ta thu hoạch cái gì? Cho nên giáo dục phải có tầm nhìn sâu rộng. Tổ tiên xưa đều có gia quy, gia phong của họ có thể truyền thừa đến mấy ngàn năm mà không suy bại. Mọi người muốn gia tộc của mình truyền thừa bao nhiêu năm? Bây giờ phải lập chí hướng.

Được rồi, tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi, cảm ơn mọi người.